Mái tôn là vật liệu lợp mái phổ biến tại nước ta, nhưng nó cũng là nguyên nhân khiến nhiệt độ trong nhà tăng cao – đặc biệt là vào mùa hè, khi mà nhiệt độ bề mặt mái có thể lên đến 50 – 55 độ C.. Do đó, thông gió mái tôn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhiệt và tăng cường lưu thông không khí, mang lại sự mát mẻ và bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong ngôi nhà của bạn. Trong bài viết này, ETOT sẽ chia sẻ 7 cách thông gió mái tôn hiệu quả để bạn có thể lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho ngôi nhà của mình.
Thông gió mái tôn bằng cách sử dụng quả cầu thông gió
Quả cầu thông gió là thiết bị tự động hoạt động theo nguyên tắc đối lưu không khí, tận dụng sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài nhà để làm mát mái tôn và phía bên trong công trình. Cụ thể khi quả cầu quay, không khí nóng sẽ được di chuyển lên trên và ra ngoài, trong khi không khí mát được hút vào bên trong.
Ưu điểm:
- Hoàn toàn không sử dụng điện, hoạt động 100% vào sức gió.
- Vận hành 24/7, luôn luôn vận hành và lưu thông không khí 24/24 kể cả khi trời ít gió.
- Không phát thải khi vận hành, thân thiện với môi trường.
Nhược điểm:
- Dễ thấm dột khi trời mưa nếu không xử lý chống thấm tốt tại khu vực tiếp giáp giữa chân quả cầu với mái tôn.
- Quả cầu sau thời gian dài vận hành thường bị kẹt lá cây, cành khô làm thiết bị ngừng hoạt động, dẫn đến gián đoạn lưu thông gió vào mái tôn và công trình.
- Hiệu quả thông gió kém hiệu quả hơn ở các khu vực bị khuất.
Lắp đặt ống thông gió để thông gió mái tôn
Ống thông gió là hệ thống ống dẫn khí được lắp đặt trên mái nhà, sử dụng sự chênh lệch áp suất để đẩy khí nóng có khối lượng nhẹ hơn bay ra ngoài và hút không khí mát có khối lượng nhẹ hơn vào trong nhà, từ đó giúp hạ nhiệt mái tôn hiệu quả. Ngoài ra, ệ thống ống thông gió có thể lắp đặt thêm các quạt gió để thúc đẩy quá trình lưu thông không khí mạnh mẽ hơn.
Ưu điểm:
- Rất bền bỉ do được làm bằng chất liệu Inox, không bị oxy hóa hoặc bị ăn mòn khi tiếp xúc các tác nhân gây hại.
- Trọng lượng nhẹ, không ảnh hưởng đến cấu trúc mái và tải trọng công trình.
Nhược điểm:
- Giá cả vật liệu và lắp đặt cao do hệ thống ống thông gió khá lớn và chất liệu inox khá đắt.
- Tốn diện tích lắp đặt do hệ thống khá lớn, thường chỉ phù hợp cho các công trình công nghiệp.
Thiết kế cửa sổ thông gió mái tôn
Mở các cửa sổ thông gió là cách giúp khí mát ngoài tự nhiên lưu thông dễ dàng hơn vào trong công trình, từ đó hỗ trợ thoát nhiệt mái tôn hiệu quả. Hiệu quả làm mát mái của cửa sổ thông gió sẽ càng cao nếu việc thi công đạt được các tiêu chí sau:
- Lựa chọn hướng cửa sổ có khả năng đón gió tốt, không bị chặn bởi các vật cản như: cây cối, các tòa nhà cao tầng lân cận
- Nên lắp đặt cửa sổ thông gió ở hai vị trí đối diện nhau để tạo luồng khí lưu thông hiệu quả.
- Cửa sổ thông gió cần bố trí gần mái nhất có thể để đạt được hiệu quả làm mát mái tốt nhất.
Ưu điểm: Là giải pháp có tính lâu dài, hiệu quả để làm mát mái tôn mà không phải bảo trì, sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ như các phương pháp khác.
Nhược điểm: Cần thiết kế và gia cố cẩn thận để chống mưa tạt, kẻ xấu xâm nhập vào nhà.
Tạo giếng trời không mái che
Giếng trời không mái che là một khoảng trống mở trên mái nhà, giúp tạo luồng khí lưu thông tự nhiên và lấy ánh sáng trực tiếp từ bầu trời vào nhà. Khác với giếng trời có mái che, giếng trời không mái che hoàn toàn thông thoáng môi trường bên ngoài, không có phần che chắn phía trên.
Thông qua giếng trời không mái che, không khí mát sẽ được lưu thông một cách tự do vào trong công trình, đồng thời khí nóng với trọng lượng nhẹ hơn sẽ được đẩy ra khỏi nhà. Với cơ chế lưu thông khí này, chúng sẽ góp phần làm giảm nhiệt độ mái tôn một cách hiệu quả.
Ưu điểm:
- Giếng trời không mái che sẽ giúp không khí mát tự do lưu thông vào bên trong công trình, giúp mái tôn được làm mát hiệu quả.
- Giếng trời giúp đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà, tạo cảm giác thông thoáng và giảm thiểu việc sử dụng đèn điện vào ban ngày.
- Tạo điểm nhấn kiến trúc độc đáo, tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho công trình
Nhược điểm:
- Giếng trời không mái che dễ bị bám bụi bẩn và côn trùng xâm nhập, cần vệ sinh thường xuyên.
- Cần lưu ý đến các yếu tố an toàn như lan can, lưới bảo vệ tại các tầng để tránh tai nạn ngã từ trên cao – đặc biệt là đối với trẻ em.
Lắp đặt mái che di động
Nhìn chung, cơ chế làm mát của mái che di động khá tương đồng với giếng trời không mái che khi tạo điều kiện giúp gió mát ngoài tự nhiên tăng cường lưu thông vào trong công trình. Điểm đặc biệt của phương pháp này là bạn hoàn toàn có thể đóng mở mái tùy theo ý muốn, nhằm che mưa nắng mỗi khi điều kiện thời tiến trở nên khắc nghiệt.
Ưu điểm:
- Giúp gió mát tăng cường lưu thông vào trong công trình một cách hiệu quả.
- Có thể đóng lại mái để bảo vệ công trình khi gặp những hiện tượng khắc nghiệt của thời tiết như mưa, nắng.
Nhược điểm: Bụi bẩn, lá và cành cây lâu ngày bám vào hệ thống mái che di động có thể gây kẹt, trục trặc khi đóng mở.
Lắp đặt quạt thông gió
Lắp đặt hệ thống quạt thông gió dưới khu vực áp mái có tác dụng đẩy nhanh tốc độ lưu thông không khí, giúp hút khí nóng ra khỏi nhà và đưa khí mát vào trong – tạo điều kiện giúp mái tôn hạ nhiệt nhanh chóng. Sử dụng quạt thông gió là biện pháp làm mát mái tôn phổ biến tại các nhà máy, công xưởng lớn áp dụng bởi nhiệt độ không khí tại đây thường nóng hơn do nhiệt lượng tỏa ra từ các thiết bị sản xuất.
- Ưu điểm: Hiệu quả cao, dễ dàng điều khiển, nhiều lựa chọn về mẫu mã và công suất.
- Nhược điểm: Dễ bám bụi bẩn trên cánh quạt, có thể tạo tiếng ồn lớn khi vận hành.
Thi công gạch bông thông gió cho mái nhà
Gạch bông thông gió là vật liệu xây dựng được được tạo hình với các khe hở để tạo điều kiện cho gió mát thổi vào công trình, trong đó có mái tôn. Để việc làm mát mái tôn hiệu quả, bạn thi công loại gạch này ở khu vực hay có gió và gần khu vực áp mái nhất có thể.
Ưu điểm:
- Tạo luồng khí lưu thông tự nhiên, giúp hút khí nóng ra khỏi nhà và đưa khí mát vào, góp phần giảm nhiệt độ trong nhà và mái tôn vào mùa hè.
- Gạch bông thông gió có nhiều mẫu mã với hoa văn đa dạng, giúp tăng thêm vẻ độc đáo cho ngôi nhà.
Nhược điểm: Dễ khiến mưa, bụi bặm hắt vào nhà.
Trên đây là 7 cách thông gió mái tôn hiệu quả nhất hiện nay mà ETOT chia sẻ đến bạn. Hy vọng qua bài viết, chúng tôi đã giúp bạn tìm được giải pháp làm mát mái tối ưu nhất cho công trình của mình. Chúc bạn thành công!