Mái tôn bị kêu – Nguyên nhân & Cách xử lý tiếng ồn trên mái tôn

Bạn đang lo lắng vì tiếng ồn khó chịu giống như tiếng va đập phát ra từ mái tôn vào những ngày nắng nóng? Đừng lo lắng! Trong bài viết này, ETOT sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết những lý do khiến mái tôn bị kêu và 4 cách xử lý tiếng ồn này triệt để, hiệu quả và nhanh chóng!

Cùng bắt đầu nhé!

Lý giải mái tôn bị kêu khi trời nắng

Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, các tấm tôn sẽ giãn nở, khiến chúng bị đè ép lên nhau. Áp lực này sẽ tác động lên các sóng tôn gây ra những tiếng ồn khó chịu như có vật thể bị rơi trên mái hoặc như có người bước trên nóc nhà.

Hiện tượng mái tôn kêu vào trời nắng, đặc biệt là giờ trưa trên thực tế là điều hoàn toàn bình thường và không nghiêm trọng.  Tuy nhiên, nếu vấn đề này diễn ra liên tục trong thời gian dài, sự giãn nở của mái tôn có thể khiến các đinh vít bị tác động dẫn đến lỏng dần và bị bật ra.

mái tôn bị kêu

Lý giải mái tôn kêu ban đêm

Mái tôn kêu ban đêm thường do ba nguyên nhân chính: thay đổi nhiệt độ, mưa và gió. Cụ thể như sau:

  • Thay đổi nhiệt độ: Trái với ban ngày, ban đêm nhiệt độ thường mát mẻ hơn rất nhiều dẫn đến các tấm tôn co lại đột ngột, tạo ra những tiếng ồn khó chịu.
  • Gió lùa: Gió thổi mạnh làm rung mái tôn gây ra tiếng ồn lớn. Đặc biệt, những công trình có phần mái tôn gia cố ẩu, không khít sát sẽ tạo điều kiện cho gió luồn xuống dưới tạo áp lực tới tấm lợp gây ra tiếng kêu lớn hơn, làm ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt và ngủ nghỉ của các thành viên trong gia đình.
  • Mưa: Nhưng hạt mưa rơi từ trên cao xuống sẽ va đập vào mái tôn tạo ra những tiếng ồn vang vào trong nhà. Đây là nhược điểm cố hữu của mái tôn thông thường và chỉ khắc phục triệt để bằng việc lót thêm lớp cách âm giữa mái tôn và trần nhà.. 

mái tôn bị kêu

Xử lý tiếng ồn trên mái tôn khi trời nắng triệt để, hiệu quả nhất

Như đã đề cập ở trên, phần lớn nguyên nhân mái tôn bị kêu khi trời nắng là do yếu tố nhiệt độ. Do đó, để xử lý tiếng ồn trên mái tôn một cách triệt để và hiệu quả nhất, bạn có thể áp dụng một số giải pháp làm mát mái tôn sau:

Thi công sơn chống nóng cho mái tôn

Sơn chống nóng giúp mái tôn có khả năng phản xạ nhiệt rất tốt, từ đó giúp hạ nhiệt độ bề mặt tấm lợp xuống, từ đó hạn chế sự giãn nở của các tấm tôn và giảm tiếng ồn. Đặc biệt, việc thi công sơn chống nóng cho mái tôn còn có thể giúp hạ nhiệt độ công trình tới 10 – 15 độ C nếu được sơn 2 lớp. 

Để thi công sơn chống nóng trên mái tôn, bạn chỉ việc vệ sinh tấm lợp thật sạch sẽ. Sau khi tôn được khô ráo, bạn tiến hành dùng chổi quét sơn phủ đều lên bề mặt cần chống nóng. Số lớp sơn cần phủ sẽ tùy thuộc vào sản phẩm bạn mua về, thông tin này được ghi đầy đủ trên hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

mái tôn bị kêu

Trồng cây leo trên mái nhà

Cây leo có tác dụng che chắn một phần ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp lên mái tôn, giúp giảm nhiệt độ trên bề mặt tấm lợp, từ đó hạn chế tiếng ồn hiệu quả. Bên cạnh đó, việc trồng cây leo lên mái sẽ đem lại vẻ đẹp thẩm mỹ độc đáo, xanh mát cho ngoại thất căn nhà.

Nhược điểm của phương pháp trồng cây leo lên mái sẽ rất dễ tích tụ rác bẩn, gây khó khăn trong việc thoát nước sau mưa và công tác vệ sinh/bảo trì sửa chữa mái tôn định kỳ.

Lắp đặt hệ thống phun nước làm mát mái tôn

Đây là hệ thống hoạt động bằng cơ chế phun nước lên trực tiếp bề mặt mái tôn, giúp giảm nhiệt độ tấm lợp một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cơ chế hoạt động của hệ thống phun nước làm mát mái tôn này rất đơn giản, chúng bao gồm các đầu phun sương được lắp đặt trực tiếp lên mái nhà, kết nối trực tiếp với đường ống nước sinh hoạt. Khi có nhu cầu làm mát mái, người sử dụng chỉ việc mở khóa nước (được thiết kế ở vị trí thuận tiện) là hệ thống tự động đẩy nước lên mái nhà để làm mát tôn.

Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là khiến gia chủ tốn khá nhiều chi phí cho nguồn nước làm mát. Đồng thời, việc để tôn tiếp xúc liên tục với nước có thể khiến tấm lợp của bạn gia tăng rủi ro xuất hiện những vết rỉ sét gây mất thẩm mỹ cho phần mái nhà.

Thi công lớp cách âm

Thi công lớp cách âm là phương pháp chỉ tập trung duy nhất việc ngăn chặn tiếng ồn lọt vào trong nhà, không tác động đến yếu tố nhiệt độ bề mặt tấm lợp – nguyên nhân gốc rễ gây mái tôn bị kêu. Trong phương pháp này, bạn sẽ cần thi công một lớp lót có khả năng cách âm tốt giữa phần mái và trần nhà. Một số chất liệu cách âm tốt thường được sử dụng làm lớp cách âm bao gồm: PU Foam, Rockwool, Bông thủy tinh,…

Trên đây là 4 giải pháp hiệu quả để xử lý tình trạng mái tôn bị kêu khi trời nắng nóng của ETOT. Hy vọng qua bài viêt, bạn có thể lựa chọn được giải pháp giảm ồn cho mái tôn phù hợp nhất cho trường hợp của mình. Chúc bạn thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *