Bạn đang sống tại khu thường xuyên có bão lớn, tiềm ẩn rủi ro lật mái tôn gây nhiều rủi ro ảnh hưởng tới tài sản nhà mình? Trong bài viết này, ETOT sẽ chia sẻ 8 cách chống bão cho nhà mái tôn đơn giản & hiệu quả nhất, giúp bạn an tâm vượt qua mọi mùa mưa bão.
Chống bão cho nhà mái tôn bằng tấm bê tông đúc
Một trong những cách chống tốc mái khi xảy ra bão đơn giản và hiệu quả là sử dụng các tấm bê tông đúc đặt lên phần mái nhà. Mục đích của phương pháp này nhằm giảm áp lực lên các vít cố định tôn khi xảy ra gió giông, từ đó giúp mái nhà vững vàng trước các cơn bão.
Để thực hiện phương pháp chống bão cho nhà mái tôn bằng tấm bê tông đúc, bạn hãy làm theo các bước sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị các tấm bê tông: Đúc các tấm bê tông với kích thước khoảng 30x30x10cm hoặc nhỏ hơn. Với kích thước này, mỗi tấm bê tông chỉ nặng dưới 20kg – chúng sẽ vừa đảm bảo tính cố định mái tốt vừa tránh gây áp lực gây hư hại tôn, đồng thời giúp bạn vận chuyển – lắp đặt trên cao một cách dễ dàng.
- Bước 2 – Đặt tấm bê tông lên mái: Đặt các tấm bê tông vào các vị trí xung yếu của mái như: mép dưới, đỉnh và khu vực các mép tôn chồng lên nhau.
- Bước 3 – Cố định tấm bê tông: Sử dụng dây thép nhỏ để buộc các tấm bê tông lại với nhau, tạo thành một hệ thống vững chắc vắt qua đỉnh mái. Lưu ý: Đảm bảo rằng các tấm bê tông được buộc chặt nhằm phòng tránh bị trượt gây mất an toàn cho người và tài sản xung quanh.
Ưu điểm của phương pháp này là chất liệu bê tông bê tông gần như có tuổi thọ vĩnh viễn, đảm bảo mái tôn của bạn luôn được bảo vệ an toàn trong nhiều năm sử dụng. Duy chỉ có phần dây thép bạn cần kiểm tra thường xuyên phòng tình trạng gỉ sét, oxi hóa gây đứt làm các tấm bê tông bị trượt.
Dùng bao cát, bao gạch chống bão
Đây là phương pháp khá tương tự với cách chống bão cho nhà mái tôn bằng tấm bê tông đúc khi sử dụng sức ép của vật nặng để làm giảm áp lực của gió lốc tác động lên vít bắn tôn. Ưu điểm của cách dùng cát và gạch chống bão thường rẻ và có thể thực hiện ngay, thay vì phải chờ vài ngày như bê tông đúc.
Để thực hiện việc dùng bao cát, bao gạch để chống tốc mái tôn – bạn hãy thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1 – Chuẩn bị các bao cát, gạch: Bạn xếp gạch hoặc cho cát vào các bao tải sao cho chúng có trọng lượng khoảng 15 – 20kg.
- Bước 2 – Xếp bao cát, gạch: Xếp các bao cát/gạch tại các vị trí cách nhau từ 1 – 1.5m gần khu vực xà gồ hoặc vì kèo.
- Bước 3 – Cố định: Để tránh bao trượt xuống dưới đất gây nguy hiểm, bạn cần kết nối các bao cát/gạch bằng dây thép chắc chắn vắt qua đỉnh mái.
Sử dụng nẹp, ke chống bão cho mái nhà
Nẹp, ke chống bão là phụ kiện làm từ nhựa PVC giúp giảm thiểu rủi ro bật vít – tốc mái khi xảy ra mưa bão. Với cấu tạo nắp nhựa bao bọc đầu vít cũng như trùm lên phần sóng dương của mái, thiết kế này sẽ giúp bảo vệ đầu vít tránh khỏi hư hại từ tác nhân gây oxy hóa (nắng, ẩm,…) đồng thời giữ chặt và làm khít hơn vị trí tiếp giáp của hai tấm tôn – tránh để gió luồn vào gây bật mái.
Để thực hiện lắp đặt nẹp chống bão, bạn chỉ cần tháo vít bắn tôn sau đó kê nẹp, cuối cùng là bắt vít xuyên qua sao cho chặt và đóng nắp nẹp để hoàn thiện. Ke chống bão có hiệu quả chống lại sức gió giật từ cấp 10 – cấp 12 vô cùng hiệu quả, tuy nhiên phương pháp này lại có nhược điểm dễ đọng lại rác gây khó khăn trong việc thoát nước cho mái nhà sau cơn mưa.
Gia cố xà gồ và mái tôn bằng hệ thống thanh thép kết nối với giằng tường
Phương pháp chống bão cho nhà mái tôn này giúp hệ xà gồ được neo chắc vào giằng tường, giúp gia cố sự chắc chắn của phần mái – từ đó chống tốc mái tôn khi xảy ra gió bão hiệu quả. Để thực hiện giải pháp này, bạn hãy làm theo các bước sau:
- Lắp đặt các thanh thép định vị trên giằng tường: Trước khi đổ bê tông giằng tường, bạn hãy đặt các cặp thanh thép có đường kính 8-10mm để nâng đỡ, trợ lực các thanh xà gồ trên cao. Khoảng cách giữa các cặp thanh thép nâng đỡ được cắm trên giằng tường sẽ tương ứng với khoảng cách giữa các thanh xà gồ với nhau. Với tường đối diện, bạn hãy làm tương tự để tạo lực nâng đỡ cân đối ở cả hai bên.
- Đổ bê tông: Bạn tiến hành tạo lớp giằng tường bằng cách đổ bê tông cốt thép. Để đảm bảo phần mái được vững chắc, lớp giằng tường này cần phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật sau: Rộng bằng bề rộng của tường, độ dày khoảng 10cm.
- Dựng xà gồ và kết nối với thanh thép nâng đỡ: Sau khi xà gồ được dựng lên, bạn có thể sử dụng phương pháp hàn, đóng đinh, buộc chặt,… để cố định chặt chẽ các thanh thép nâng đỡ với xà gồ. Với cấu trúc này, hệ xà gồ của công trình sẽ được gia cố hơn, giảm thiểu rủi ro bị rung lắc hay tốc mái khi trông trường hợp xảy ra giông bão.
Đảm bảo phần mái kín gió
Tình trạng gió lùa vào nhà khi xảy ra gió giông lớn là rất nguy hiểm, có thể gây lật mái tôn và dẫn đến nhiều thiệt hại lớn đến tài sản khi xảy ra mưa bão. Do đó, trước khi xảy ra mưa bão, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng và bịt kín các cửa sổ, khe hở, lỗ thông gió của ngôi nhà mình – đặc biệt là các khe hở khu vực gần mái để tránh gió mạnh tạt vào gây áp lực làm lật mái tôn ở phía trên.
Gia cố hệ thống vít mái tôn
Vít bắn tôn là yếu tố lớn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chống chịu của mái tôn trước giông bão. Vít được bắn lỏng lẻo, hoen gỉ hoặc khoảng cách bắt vít quá xa nhau có thể khiến sự kết nối của mái giữa mái tôn và xà gồ kém hơn – dẫn đến rủi ro tốc mái cao hơn. Do đó, để bảo vệ mái tôn trước các tác nhân gió bão, bạn hãy:
- Kiểm tra và vít chặt lại tất cả các đinh vít mái tôn bắn trên xà gồ.
- Thay thế những đinh vít, bu lông bị gỉ sét, hư hỏng.
- Thêm số lượng vít (nếu cần) để gia cố sự chắc chắn giữa mái tôn và xà gồ.
Phòng chống bão tốt cho phần mái ngay từ lúc mới xây
“Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”, trong phòng chống bão nhà mái tôn cũng vậy. Ngay từ trong quá trình xây dựng và cất nóc, bạn nên sử dụng các nguyên vật liệu chất lượng, đồng thời lựa chọn nhà thầu/đội thợ thi công uy tín ngay từ đầu. Việc này giúp đảm bảo hiệu quả thi công cuối cùng được tốt nhất, tránh các lỗi không đáng có – giúp công trình có khả năng chống chịu tốt khi bão tới.
Kiểm tra tình trạng mái tôn định kỳ
Kiểm tra tình trạng mái tôn định kỳ – đặc biệt sau mỗi cơn bão là việc rất cần thiết để nhận biết sớm các vấn đề hoặc các bộ phận đang xuống cấp để có phương pháp thay thế/sửa chữa kịp thời. Bạn hãy chú ý kiểm tra kỹ các đinh vít, mối nối và các tấm tôn để đảm bảo rằng chúng luôn trong tình trạng tốt nhất,
Trên đây là 8 cách chống bão cho nhà mái tôn đơn giản và hiệu quả mà các gia chủ tại khu vực miền Trung nên lưu ý. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết, ETOT hy vọng bạn đã biết cách bảo vệ công trình của mình vững vàng qua các mùa bão khắc nghiệt.