Các loại mái nhà – Phân loại theo vật liệu, kiểu dáng & kết cấu

Mái nhà không chỉ đóng vai trò bảo vệ công trình mà còn là yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp và phong cách cho ngôi nhà. Từ mái ngói truyền thống đến mái kính hiện đại, mỗi loại mái đều mang một vẻ đẹp độc đáo và tính năng ưu việt riêng, phục vụ đa dạng cho các mục đích khác nhau. Vậy hiện tại, có các loại mái nhà nào? Hãy cùng ETOT khám phá 14 mẫu mái nhà đẹp và phổ biến hiện nay qua bài viết dưới đây nhé!

Các loại mái nhà dựa trên vật liệu

Mái ngói 

Mái ngói là một trong các loại mái nhà truyền thống đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam. Ban đầu, mái được làm từ các viên ngói có chất liệu từ đất nung, nhưng sau này đã xuất hiện thành nhiều biến thể mái ngói sử dụng các vật liệu khác như nhựa, hợp kim,… nhằm mục đích cải thiện tính năng, thẩm mỹ và giảm giá thành. Dù hiện nay có sự thay đổi về chất liệu, nhưng loại mái này vẫn luôn duy trì kiểu dáng thiết kế ban đầu đã tồn tại hàng trăm năm qua. 

Mái ngói

Mái ngói có những ưu điểm đáng chú ý sau: 

  • Khả năng chống nóng tốt: Mái ngói có khả năng hấp thụ bớt lượng bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời, giúp giữ cho bên trong ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
  • Dễ dàng thi công và sửa chữa: Khi mái ngói bị hư hỏng, chỉ cần thay thế các phần bị hỏng mà không cần phải thay toàn bộ bộ mái nhà.
  • Khả năng thoát nước tốt: Mái ngói được thiết kế với độ dốc lớn giúp thoát nước tốt, ngăn ngừa sự thấm dột và đọng nước, bảo vệ ngôi nhà khỏi hư hại do nước gây ra.
  • Độ bền cao, thời gian sử dụng lâu dài: Vật liệu ngói thường có tuổi thọ cao, bảo vệ phần mái nhà trong thời gian dài vài chục năm.
  • Tính thẩm mỹ và đa dạng về màu sắc: Mái ngói hiện có nhiều mẫu mã, màu sắc đa dạng – phù hợp với phong cách kiến trúc khác nhau.

Mái bê tông 

Mái bê tông là hình thức làm mái được tạo thành bởi quá trình đổ bê tông cốt thép. Loại mái này có đặc điểm nổi bật với kết cấu vững chắc và chịu lực tốt, đồng thời có tính chống thấm, cách nhiệt hiệu quả. 

Mái bê tông

Mái bê tông có những ưu điểm chính như sau:

  • Chống thấm và cách nhiệt: Mái bê tông có khả năng chống thấm nước và độ ẩm, giúp bảo vệ ngôi nhà khỏi sự thâm nhập của nước mưa. Ngoài ra, cấu trúc bê tông cốt thép dày trên mái sẽ tạo ra một lớp cách nhiệt hiệu quả giúp công trình duy trì nhiệt độ mát mẻ bên trong, mang lại sự thoải mái cho các thành viên trong nhà, đặc biệt trong mùa hè nóng nực.
  • Chịu lực và độ bền: Nhờ có cấu tạo là lớp bê tông cốt thép, mái bê tông rất chắc chắn và có khả năng chịu lực tốt. Điều này giúp mái nhà có thể chống lại các tác động tiêu cực từ thiên nhiên mưa gió, bão và các tác động ngoại lực khác.
  • Cách âm và chống ồn: Với lớp bê tông dày, loại mái này còn mang đến cho công trình khả năng cách âm tuyệt vời, đem lại không gian yên tĩnh bên trong ngôi nhà.
  • Tính an toàn cao trước nạn trộm cắp: Với mái ngói thông thường, kẻ trộm có thể dễ dàng cạy các viên ngói để xâm nhập vào nhà trái phép. Ngược lại, với mái bê tông dán ngói, dưới lớp ngói bên ngoài là bê tông cốt thép, việc đột nhập vào nhà ở đường mái gần như bất khả thi.
  • Tính thẩm mỹ: Do được dán lớp ngói trang trí bên ngoài, mái bê tông có tính vẻ thẩm mỹ không hề thua kém các loại mái ngói truyền thống thông thường.

Mái tôn 

Mái tôn là một loại vật liệu lợp mái bằng tấm thép cán sóng, giúp bảo vệ công trình và nhà ở khỏi các yếu tố bên ngoài như ánh nắng, mưa, gió, và bão. Đây là một trong những vật liệu lợp mái phổ biến nhất trong xây dựng ngày nay với mẫu mã đa dạng và giá cả phù hợp với ngân sách của đa số khách hàng.

Mái tôn

Mái tôn có những đặc điểm chính như sau:

  • Bảo vệ cho công trình hiệu quả: Tôn lợp mái là vật liệu xây dựng có tính chống chịu tốt trước sự tác động của môi trường bên ngoài như ánh nắng, mưa, gió, bão,… giúp bảo vệ công trình hiệu quả.
  • Chống ăn mòn và tuổi thọ: Tôn lợp mái được sản xuất với chất liệu thép nhúng mạ kẽm, mang đến khả năng chống gỉ, chống ăn mòn cao. Tuổi thọ của tôn lợp có thể từ 10 – 30 năm, tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm, chất lượng thi công và môi trường sử dụng.
  • Lắp đặt dễ dàng và nhanh chóng: Với dạng tấm lớn trọng lượng nhẹ, tôn lợp mái khá dễ để thi công, giúp tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình lắp đặt.
  • Chống cháy lan: Tôn lợp mái do có chất liệu từ kim loại nên không bắt lửa. Do đó, loại mái này sẽ giúp chống cháy lan khi không may xảy ra hoả hoạn, giúp hạn chế thiệt hại cho gia chủ và hàng xóm xung quanh.
  • Khả năng thoát nước tốt: Với cấu tạo sóng, mái tôn giúp thoát nước hiệu quả khi trời mưa gió, tránh gây tình trạng ứ nước gây dột cho công trình.
  • Khả năng kháng nhiệt hiệu quả: Các sản phẩm tôn lạnh hiện nay có khả năng phản xạ nhiệt từ mặt trời, giúp không gian bên trong công trình mát mẻ và dễ chịu hơn..
  • Tính đa dạng: Tôn lợp mái có nhiều lựa chọn về kiểu dáng và cấu trúc như: tôn sóng, tôn xốp cách âm cách nhiệt, tôn giả ngói,… với các màu sắc khác nhau đáp ứng đa dạng nhu cầu của các công trình hiện nay.

Mái kính 

Mái kính là loại mái có chất liệu từ kính cường lực kết hợp với hệ thống khung thép/inox để gia cố chắc chắn. Mục đích chính của mái kính là để sử dụng trong việc làm mái hiên, giếng trời lấy sáng,… 

Mái kính

Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm hiện nay, các ngôi nhà ống có diện tích mặt tiền nhỏ từ 10m đến 15m ngày càng nhiều, các kiến trúc sư đã dùng mái kính làm giếng trời để lấy ánh sáng tự nhiên, giúp công trình có cảm giác thông thoáng hơn. Giếng trời kính thường được bố trí ở khu vực thông tầng để mang lại hiệu quả chiếu sáng đến cho các tầng của ngôi nhà.

Mái nhựa trong suốt 

Mái nhựa trong suốt, hay còn được gọi là tấm nhựa lấy sáng polycarbonate, là loại vật liệu được sử dụng rộng rãi trong việc lợp mái – đặc biệt là khu vực giếng trời và mái hiên. Vật liệu polycarbonate có tính truyền sáng gần như thủy tinh, cho phép 98% ánh sáng đi qua. Thành phần chính của tấm nhựa này là polymer và các hợp chất carbon, giúp mái có độ cứng ổn định và độ bền vượt trội hơn so với các vật liệu lợp thông thường.

Mái nhựa

Mái tranh tre 

Mái tranh tre là một loại mái che được làm từ các vật liệu tự nhiên như tre, nứa, gỗ và các nguyên liệu thân thuộc khác của vùng nông thôn. Đây là phương pháp làm mái phổ biến của người xưa từ đầu thế kỷ XX trở về trước. Hiện nay, loại mái này thường được sử dụng để thi công cho các công trình homestay, nghỉ dưỡng sinh thái, nhà hàng,… để mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho khách hàng trải nghiệm. 

Mái tranh tre

Mái lợp sinh thái 

Mái lợp sinh thái là một loại vật liệu lợp mái đa dụng được sản xuất từ nguyên liệu tái sinh, thân thiện với môi trường. Loại tấm lợp này được thiết kế với hình dạng sóng và có nhiều màu sắc khác nhau, tạo cảm giác giống với ngói. Mái lợp sinh thái có nhiều ưu điểm so với ngói lợp truyền thống, cụ thể như sau:

  • Mái lợp sinh thái rất nhẹ và dễ lắp đặt. 
  • Không bị ăn mòn bởi các yếu tố như muối biển, hóa chất, kiềm hay amoniac,… giúp tăng tuổi thọ và độ bền của mái lợp. 
  • Mái lợp sinh thái còn có khả năng chống ồn tốt, giúp cải thiện sự yên tĩnh cho không gian sống và làm việc bên trong.

Mái lợp sinh thái

Hiện nay, vật liệu mái lợp sinh thái đang được sử dụng rộng rãi trong đa dạng các dự án xây dựng, bao gồm cả các công trình dân dụng, công nghiệp, công trình công công.

Phân chia các loại mái nhà dựa kiểu dáng

Mái dốc (mái thái) 

Mái dốc, hay còn được gọi là mái thái, là một loại thiết kế mái phổ biến trong kiến trúc tại Việt Nam. Đặc điểm của mái dốc là một phần của mái nhà được thiết kế để nhô ra từ 60cm đến 150cm so với tường nhà và có góc nghiêng so với phương ngang nhất định. Việc nhô ra của mái giúp tăng khả năng thoát nước và nhiệt, đồng thời làm tăng tính thẩm mỹ độc đáo của ngôi nhà. Mái dốc cũng giúp chống dột tốt hơn, bảo vệ bề mặt mái – giúp cho ngôi nhà duy trì vẻ đẹp thẩm mỹ, sang trọng trong thời gian lâu dài.

Loại mái này thường được ứng dụng để lợp mái cho các công trình: nhà cấp 4, nhà mái ngói ba gian, biệt thự, nhà phố,…

Mái thái

Mái bằng 

Mái bằng là một loại mái được xây dựng bằng bê tông cốt thép toàn khối hoặc lắp ghép, thường được các công trình nhà phố hiện đại ưa chuộng sử dụng. Cấu trúc của mái bằng bao gồm 4 lớp quan trọng sau:

  • Lớp kết cấu chịu lực làm từ bê tông cốt thép nguyên khối hoặc ghép từ nhiều khối nhỏ, có nhiệm vụ chịu lực và chống thấm cho toàn bộ mái nhà.
  • Lớp tạo dốc giúp mái nhà thoát nước dễ dàng và cách nhiệt tốt hơn.
  • Lớp chống thấm có độ dày từ 30 đến 50cm nhằm bảo vệ mái nhà khỏi nước mưa xâm nhập gây ẩm mốc, dột. Bên cạnh đó, lớp chống thấm này còn giúp tăng cường độ cứng, độ bền bỉ cho mái bằng trước các tác động khắc nghiệt từ môi trường.
  • Lớp cách nhiệt bảo vệ lớp chống thấm khỏi tác động của thời tiết và nhiệt độ, đồng thời giúp không gian công trình duy trì nhiệt độ mát mẻ, dễ chịu.

Mái bằng

Mái lệch 

Mái lệch là một biến thể cách điệu của mái dốc truyền thống với một tấm lợp duy nhất. Mái lệch có thể dốc về một hoặc hai phía với độ dốc khác nhau ở mỗi bên – tạo nên hiệu ứng bất đối xứng độc đáo, mang đến nét đẹp mới mẻ cho kiến trúc công trình.

Mái lệch

  • Vẻ đẹp độc đáo, ấn tượng: Mái lệch có thiết kế hình khối độc đáo, mang đến vẻ đẹp hiện đại và phá cách. Loại mái này cực kỳ phù hợp cho các ngôi nhà theo kiến trúc hiện đại, có hơi hướng tương lai.
  • Thoát nước nhanh, chống thấm tốt: Độ dốc lớn của mái lệch giúp thoát nước mưa nhanh chóng và hiệu quả hơn, tránh tình trạng ứ đọng gây thấm dột. 
  • Tối ưu diện tích sử dụng: Không gian phía dưới phần mái lệch có thể được sử dụng làm kho chứa đồ, gác xép, phòng làm việc, phòng ngủ cho con cái,… nhằm tối ưu hóa diện tích sử dụng của ngôi nhà một cách tốt nhất.
  • Lấy sáng và không khí cho ngôi nhà: Thiết kế mái lệch tạo nhiều khoảng trống không gian, giúp ánh sáng và không khí tự nhiên lưu thông trong ngôi nhà, tạo cảm giác không gian luôn thông thoáng và thoải mái cho thành viên trong gia đình.

Mái Mansard 

Mái Mansard là loại mái được đặt theo tên của người phát minh ra nó là kiến trúc sư người Pháp François Mansard (1598-1666). Đây là một kiểu mái hình thang được tạo thành bằng các đá phiến đen. Khoảng không gian trong khối hình thang của mái có thể tạo thành một tầng phụ, sử dụng làm kho để lưu trữ đồ đạc.

Mái Mansard 

Đặc điểm của mái Mansard là độ dốc lớn, mang đến những đường nét khoẻ khoắn cho công trình, rất phù hợp với các công trình kiến trúc theo phong cách cổ điển hoặc tân cổ điển.

Các loại mái nhà dựa trên kết cấu

Mái bê tông cốt thép 

Mái bê tông cốt thép là loại mái được tạo thành từ quá trình đổ bê toàn khối trực tiếp trên mái hoặc lắp ráp từ các cấu kiện bê tông khác nhau. Loại mái này có ưu điểm là rất bền và có khả năng chịu tải tốt. Tuy nhiên, mái bê tông cốt thép cũng có nhược điểm là không thể tháo lắp khi cần di chuyển hoặc phá dỡ công trình, điều này làm gây khó khăn nếu công trình khi có nhu cầu bảo trì, sửa chữa.

Mái khung phẳng 

Mái khung phẳng là loại mái có kết cấu từ các bộ phận phương ngang như dầm và bản sàn, cùng với các bộ phận đứng như tường và cột chịu lực. Các vật liệu này được kết nối với nhau để tạo thành một hệ khung truyền tải trọng xuống mặt đất, có độ bền chịu lực và chịu uốn rất cao – mang đến sự ổn định cho công trình quy mô lớn.

Mái khung phẳng được sử dụng phổ biến trong nhiều công trình xây dựng và kiến trúc dân dụng như: siêu thị, nhà thi đấu thể thao, các công trình công cộng khác,…. 

Mái giàn thép không gian 

Mái giàn thép không gian là một loại kết cấu chịu lực được tạo ra bởi các thành phần chủ yếu là các phần tử thép thanh. Loại mái này thường được áp dụng khi yêu cầu công trình cần tạo ra các nhịp lớn (có thể lên đến hàng chục mét) mà việc sử dụng kết cấu bê tông, gạch không phù hợp hoặc không hiệu quả. 

Các công trình thường sử dụng mái giàn thép không gian bao gồm: nhà thi đấu, sân vận động, nhà hát, nhà máy công nghiệp, giàn khoan trên biển và các công trình có không gian lớn khác.

Mái nhà không chỉ là phần quan trọng bảo vệ ngôi nhà khỏi thời tiết mà còn là điểm nhấn kiến trúc độc đáo. Hy vọng qua bài viết của ETOT, bạn đã biết thêm thông tin về các loại mái nhà phổ biến hiện nay để lựa chọn giải pháp phù hợp nhất với công trình của mình. Chúc bạn sớm hoàn thành công trình mơ ước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *