Tầng áp mái là gì? Những lưu ý khi xây dựng tầng áp mái

Tầng áp mái là một trong những không gian có kiến trúc đặc biệt nhất của công trình, giúp gia chủ mở rộng không gian sinh hoạt hoặc diện tích chứa đồ hiệu quả hơn, từ đó tận dụng tối đa công năng của ngôi nhà. Vậy cụ thể, tầng áp mái là gì? Cùng ETOT tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây!

Tầng áp mái là gì? Tầng áp mái cao bao nhiêu?

Tầng áp mái là phần không gian cao nhất của ngôi nhà, với trần hoặc một bên tường có thiết kế xiên dốc theo thiết kế mái nhà. Theo quy định tại thông tư 07/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng Việt Nam, tầng áp mái được định nghĩa là “là tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5m”.

Tầng áp mái là gì

Tầng áp mái thường được sử dụng để làm kho chứa đồ, phòng bố trí các thiết bị kỹ thuật, phòng ngủ, phòng làm việc cá nhân,… Theo TCVN 4319:2012, chiều cao thông thuỷ của tầng áp mái không nhỏ hơn 2,2m. Tuy nhiên, chiều cao lý tưởng nên dao động từ 2,5 – 2, m để đảm bảo sự thông thoáng và thoải mái cho người sử dụng căn phòng.

Lợi ích của việc có tầng áp mái trong ngôi nhà

Tầng áp mái mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho ngôi nhà, có thể kể đến như:

  • Mở rộng diện tích sử dụng: Tầng áp mái giúp gia tăng diện tích sinh hoạt cho ngôi nhà, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng nâng cao của các gia đình.
  • Tạo không gian riêng biệt: Tầng áp mái là nơi lý tưởng để bạn tạo dựng một không gian riêng tư, độc đáo để thư giãn, nghỉ ngơi, làm việc hoặc giải trí.
  • Tăng giá trị thẩm mỹ: Tầng áp mái góp phần tạo nên sự độc đáo và ấn tượng cho ngoại thất ngôi nhà.
  • Tận dụng ánh sáng tự nhiên: Tầng áp mái thường được trang bị nhiều cửa sổ, giúp đón ánh sáng tự nhiên, giúp giảm nhu cầu điện năng khi sinh hoạt trong că phòng này.

Nguyên tắc thiết kế tầng áp mái

Để thiết kế một tầng áp mái đẹp và đáp ứng nhu cầu tiện nghi cho sinh hoạt, bạn cần lưu ý một số nguyên tắc sau:

Tập trung bố trí cửa sổ đón ánh sáng

Đặc trưng của tầng áp mái là nhỏ hẹp – do đó, để không gian sống của gia đình bạn có cảm giác rộng rãi và thoài mái hơn, bạn cần ưu tiên bố trí cửa sổ để đón nhiều ảnh nắng cho căn phòng. Ánh nẳng sẽ giúp không gian tầng áp mái của bạn sáng sủa hơn, tạo hiệu ứng thị giác khiến bạn cảm thấy phòng dường như lớn hơn, mang lại cảm giác thoải mái tối đa khi sinh hoạt và làm việc trong căn phòng.

Tầng gác mái

Trang trí một cách khoa học

Một nhược điểm của tầng áp mái là không gian có nhiều góc cạnh gây khó khăn trong việc trang trí, đặc biệt là ở các góc mái. Để giải quyết điều này, bạn có thể đặt làm các đồ nội thất theo yêu cầu để tận dụng tối đa các không gian trống. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc trang trí thêm giấy dán tường, các bức tranh hoặc những chậu cây xanh để tô điểm thêm sự sinh động cho căn phòng của mình.

Phân chia không gian gác mái để đảm bảo công năng tốt hơn

Bạn có thể cân nhắc chia gác mái thành hai phòng riêng biệt, chẳng hạn như: một phòng ngủ – một phòng làm việc, 2 phòng ngủ khác nhau,… tuỳ theo sở thích và hoàn cảnh thực tế. Điều này giúp gia đình bạn tận dụng hết diện tích và công năng của ngôi nhà để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của các thành viên một cách thoải mái nhất.

Trang trí đơn giản

Do có diện tích hạn hẹp, bạn nên bố trí các đồ nội thất trong phòng gác mái đơn giản để đảm bảo không gian thoải mái để sinh hoạt. Ngoài ra, bạn nên lưu ý hạn chế các đồ nội thất từ gỗ bởi khí hậu Việt Nam thường ẩm ướt, dễ khiến những đồ vật này bị nứt nẻ và cong vênh. 

Tầng áp mái

Phân biệt tầng áp mái và tầng tum

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa tầng áp mái và tầng tum do hai loại không gian này đều nằm ở vị trí cao nhất của ngôi nhà Tuy nhiên, hai loại công trình này có sự khác biệt rõ ràng như sau:

Thuộc tính Tầng Áp Mái Tầng Tum
Vị trí Không gian nằm bên trong không gian mái dốc. Không gian tầng áp mái được xây dựng hết 100% mặt sàn Là công trình có tác dụng bao che khu vực cầu thang lên sân thượng. Khu vực tum sẽ không xây hết mặt sàn.
Tiêu chuẩn tính tầng Được tính vào số tầng của công trình Không được tính vào số tầng của công trình nếu có diện tích dưới 30% sàn mái và độ cao dưới 3m. Nếu vượt quá, tầng tum sẽ được tính vào số tầng của công trình
Ứng dụng Sử dụng để làm kho chứa đồ, phòng ngủ, phòng làm việc,… Sử dụng để làm nơi phơi đồ, cất trữ những đồ vật có thể để ngoài trời,… Không thể xây công trình làm phòng ở.

Những kiểu thiết kế tầng áp mái đẹp, ấn tượng nhất

Một số gợi ý vật liệu nên sử dụng cho tầng áp mái

Vật liệu thi công đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến độ bền đẹp và công năng cho tầng áp mái. Để không gian sống của bạn trở nên tiện nghi và thoải mái nhất, dưới đây là một số gợi ý vật liệu mà ETOT khuyên bạn nên tham khảo trong quá trình dự toán thi công tầng áp mái nhà mình:

  • Sàn: Bạn có thể sử dụng chất liệu: gỗ, bê tông hoặc ván ép để làm sàn cho tầng áp mái nhà mình. Gỗ là lựa chọn truyền thống, tạo cảm giác ấm cúng và sang trọng cho không gian. Bê tông có độ bền cao, nhưng nặng và khiến không gian áp mái nhỏ hẹp hơn. Ván ép có trọng lượng nhẹ và tính cách âm tốt, nhưng độ bền không bằng gỗ và bê tông.
  • Tường: Về thi công tường, bạn có thể sử dụng các chất liệu như: bê tông hoặc thạch cao. Bê tông đảm bảo tính chắc chắn, độ bền cao nhưng có thể chiếm nhiều không gian sinh hoạt của phòng. Thạch cao nhẹ và cách âm tốt, nhưng độ bền kém hơn bê tông.
  • Mái: Để làm mái, bạn có thể lựa chọn các chất liệu bao gồm: ngói, tôn hoặc mái kính. Ngói là sự lựa chọn truyền thống với độ bền cao, khả năng chống thấm và cách nhiệt tốt. Tôn có trọng lượng nhẹ và chi phí thấp, nhưng cách nhiệt không tốt bằng ngói. Mái kính có khả năng lấy ánh sáng tự nhiên tốt nhưng hấp thụ nhiệt cao, gây khó chịu cho người ở trong phòng vào mùa hè.
  • Vật liệu cách nhiệt: Có một số giải pháp như: xốp PU, rockwool, bông thủy tinh,… được lót giữa lớp tôn và trần của tầng áp mái. Những vật liệu này đều có tính cách nhiệt cao, giúp không gian của bạn trở nên mát mẻ hơn trong mùa hè nóng nực.

Tầng áp mái

Giải pháp chống nóng cho tầng áp mái

Tầng áp mái thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của ánh nắng mặt trời, do đó cần có giải pháp chống nóng hiệu quả để đảm bảo sự thoải mái cho người sử dụng. Dưới đây là một số giải pháp phổ biến:

  • Thạch cao + bông thuỷ tinh: Bạn có thể cân nhắc lựa chọn trần và tường làm từ thạch cao kết hợp với lớp lót bông thủy tinh. Những vật liệu này có khả năng cách nhiệt tốt, giúp giảm thiểu lượng nhiệt vào nhà. Độ dày khuyến nghị của lớp thạch cao vào khoảng 9-16cm và bông thủy tinh dày khoảng 5cm.
  • Vật liệu lợp mái cách nhiệt: Sử dụng ngói chống nóng truyền thống hoặc tôn xốp cách nhiệt để làm mái. Ngói là vật liệu truyền thống có độ bền cao, khả năng giảm hấp thụ nhiệt tốt. Tôn cách nhiệt là loại tôn có nhiều lớp – trong đó có lớp xốp cách nhiệt làm từ Rockwool, xốp PU, sợi thuỷ tinh,… có tác dụng ngăn chặn hơi nóng từ môi trường hiệu quả.
  • Sơn cách nhiệt mái tôn: Nếu sử dụng mái tôn, bạn có thể cân nhắc sơn thêm lớp chống nóng lên bề mặt mái. Loại sơn này có khả năng phản xạ tia UV, giúp giảm đến 12 – 20 độ C nhiệt độ bên trong nhà, tạo điều kiện sinh hoạt thoải mái và dễ chịu hơn.
  • Sử dụng các thiết bị làm mát: Bên cạnh các cách trên, bạn có thể trang bị thêm máy lạnh hoặc quạt điều hoà để làm mát phòng áp mái, từ đó tạo nên không gian mát mẻ dễ chịu trong những ngày nắng nóng.

Chống nóng tầng áp mái

Những lưu ý khi xây dựng tầng áp mái

Khi xây dựng tầng áp mái, bạn cần lưu ý những điều sau để đảm bảo tận dụng không gian tốt nhất và đảm bảo độ bền, an toàn công trình lâu dài:

  • Chiều cao trần: Theo TCVN 4319:2012, chiều cao tối thiểu của phòng áp mái là 2,2m. Tuy nhiên, bạn nên cố gắng đảm bảo mức chiều cao lý tưởng 2,5 – 2,7m để thoải mái nhất trong sinh hoạt, không bị chật chội.
  • Thực hiện đúng theo cấp phép xây dựng: Bạn cần xây tầng áp mái đúng theo bản vẽ được cấp phép xây dựng do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Việc cố tình cơi nới, làm sai so với cấp phép có thể khiến chủ đầu tư gặp những rủi ro pháp lý như bị phạt, cưỡng chế tháo dỡ,… gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công sức và tiền bạc.
  • Không nên tác động đến kết cấu chịu lực khi làm tầng áp mái: Không nên tự ý phá bỏ dầm, cột hoặc các thành phần chịu lực khác của ngôi nhà khi thiết kế tầng áp mái. Việc này tiềm tàng những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính ổn định và an toàn của ngôi nhà. 
  • Chống thấm, cách nhiệt và cách âm: Là một trong khu vực chịu ảnh hưởng của tác động thời tiết nhiều nhất của công trình, tầng áp mái cần được chủ đầu tư trang bị các giải pháp chống thấm dột, cách nhiệt và cách âm để đảm bảo việc sinh hoạt trong không gian diễn ra thoải mái nhất. Một số lựa chọn phổ biến để chủ đầu tư tham khảo bao gồm: lợp tấm panel tôn xốp, lắp ống thông gió, dán cửa kính mát, lắp điều hoà, dùng xốp lót trần cách âm – cách nhiệt,…. 
  • Thiết kế không gian thu được nhiều ánh sáng tự nhiên: Do tầng áp mái có không gian nhỏ hẹp, bạn nên tận dụng ánh sáng tự nhiên thông qua các cửa sổ, giếng trời để giúp không gian được sáng và thoáng đãng hơn. Tuy nhiên, bạn cần có giải pháp chống nắng phù hợp cho phòng vào những thời điểm nắng gắt như: lắp rèm, dán kính mát,…

Tầng áp mái là một giải pháp hữu hiệu để mở rộng diện tích sử dụng và tạo dựng không gian sống độc đáo cho ngôi nhà. Hy vọng qua bài viết, ETOT đã giúp bạn hiểu được rõ ràng “Tầng áp mái là gì?” cũng như những điều cần biết để thi công tận dụng được tối đa diện tích phần mái và đảm bảo độ bền tốt nhất cho công trình. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *